Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ vượt 9 tỷ người vào năm 2050, vì vậy để đảm bảo “cái ăn cái mặc” cho mọi người, nhất là tại các nước đang phát triển, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu tìm ra những loại thực phẩm mới, trong đó có một số thực phẩm “tiềm năng” dưới đây.
Bao bì ăn được
Ứng viên thứ hai cho nhóm thực phẩm tương lai chính là các loại bao bì ăn được. Lợi thế của loại bao gói này là mang tính môi trường, không gây hại cho thực phẩm và bảo quản được lâu dài, hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm, vì nó ăn được từ trong ra ngoài, rất tiện cho người tiêu dùng.
Nhóm chuyên gia ở Đại học Harvard Mỹ đứng đầu là kỹ sư sinh học David Edward mới đây đã thành lập công ty Wikecells chuyên sản xuất các loại bao bì ăn được dùng đựng nước cam, cà phê, kem và các sản phẩm khác, có cấu trúc giống như vỏ các loại quả này. Vừa ngon miệng, dễ tiêu hóa lại bớt đi một lượng lớn bao gói mà hiện nay con người đang dùng. Tại Anh, Công ty Pepcenticals còn cho ra đời loại màng chống khuẩn dùng đựng thức ăn nhất là thực phẩm tươi sống như cá, thịt nên hạn chế rất nhiều lãng phí khi chế biến.
Thực phẩm từ côn trùng
Theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỷ người, chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Phi có thói quen ăn côn trùng, như cào cào, châu chấu, nhện, kiến, nhộng, sâu bướm… Trong tương lai nhóm thực phẩm này sẽ được xếp đầu bảng, thị phần tăng lên tới 5 tỷ người tiêu dùng. Vừa cung cấp protein lại có tác dụng bảo vệ mùa màng và rất nhiều tác dụng khác. Cũng theo FAO, năm 2012 các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện thấy có tới 1.900 loài côn trùng có thể ăn được. Tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), người ta đã dành tới 3 triệu USD để giúp các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra nhóm thực phẩm mới làm thức ăn. So với gia súc, gia cầm và các loại thủy sản thì thực phẩm côn trùng mang tính “bền vững” hơn, có sẵn, không phải nuôi trồng, sinh sôi nảy nở nhanh. Ngoài ra, ăn côn trùng còn giúp giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, nạn phá rừng, phá hoại mùa màng, giàu protein, hàm lượng mỡ và cholesterol thấp, nhất là giàu canxi và sắt. Theo nghiên cứu của Đại học Montana Mỹ thì 2 loại côn trùng là sâu bướm và châu chấu có hàm lượng protein, canxi và sắt không kém gì thịt bò. Ví dụ 100g thịt bò có hàm lượng protein là 27,4g, sắt là 3,5mg, trong khi đó 100g sâu bướm có 28,2g protein, 35,5mg sắt; ở châu chấu là 20,6g protein, 35,2mg canxi và 5mg sắt. Một trong những trở ngại lớn đối với việc tiêu thụ sản phẩm này là nhiều người còn chưa quen sử dụng, thậm chí còn ghê sợ, nhất là những người phương Tây nhưng ăn rồi sẽ thấy khoái khẩu và “nghiền” lúc nào không biết.
Thực phẩm sinh thái và thực phẩm thay thế
Thực phẩm sinh thái (Eco-food) và thực phẩm thay thế (Food replacement) là thuật ngữ chuyên môn ra đời gần đây nói về những cải tiến đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, cho ra đời những sản phẩm nhân tạo y trang thực phẩm sinh học hay còn gọi là thực phẩm nuôi trồng trong phòng thí nghiệm. Nó có thể thay thế những sản phẩm khan hiếm, đặc sản có trong tự nhiên. Vừa đáp ứng khẩu vị của con người lại có tác dụng bảo toàn các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người không còn nhu cầu săn bắt chúng. Tương lai, người ta sẽ cho ra đời những loại thực phẩm nhân tạo tổng hợp có nguồn gốc từ cây trồng hay động vật. Ví dụ như một loại sản phẩm mới có tên là Beyond Meat giống như thịt gà, khi ăn không thể phân biệt được với thịt gà sinh học, hoặc một loại trứng do Công ty Hampton Creek Foods sản xuất từ các chất liệu thực vật có hương vị giống như trứng gà sinh học và khi dùng làm bánh hoặc các sản phẩm khác, người dùng không thể phân biệt được trứng gà thật và trứng gà nhân tạo. Một trong những sản phẩm tiên phong kiểu này vừa được công bố đầu tháng 8 vừa qua, đó là bánh mì kẹp thịt đầu tiên trên thế giới, dùng thịt nuôi trồng từ tế bào gốc của gia súc do các chuyên gia ở Đại học Maastricht của Hà Lan thực hiện. Nói cụ thể hơn, thịt dùng trong chiếc bánh này được làm từ tế bào cơ vai của 2 con bò được nuôi tự nhiên. Tế bào được đưa vào một dung dịch dinh dưỡng để phát triển thành mô và sợi nhỏ thịt. Trung bình, trên 20.000 sợi thịt nhỏ kiểu này mới tạo ra 140 gram thịt, sau đó pha thêm gia vị, muối, bột trứng và bột mì, nghệ để tạo màu sắc giống như thịt sinh học.
Gạo tăng cường
Nguyên thủy, cây trồng chuyển gen (GM) được con người phát minh cách đây trên 30 năm và nhờ công nghệ này, người ta cho ra đời tiếp loại gạo tăng cường (Enhanced rice) hay gạo chuyển gen. Cây trồng chuyển gen là một trong những thành tựu sáng chói trong lĩnh vực nông nghiệp của nhân loại thế kỷ XX, trong đó có cả tác dụng làm giảm hiệu ứng nhà kính. Một trong số những sản phẩm tiêu biểu là gạo vàng, có chứa nhiều beta carotene, được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, giảm bệnh mù lòa và các loại bệnh thường gặp khác ở trẻ em. Dự kiến, giống lúa nói trên sẽ được gieo trồng tại Philippines trong tương lai không xa.
Tảo và rong biển
Tảo và rong biển là những loại thực phẩm tương đối mới, rất hữu ích cho sức khỏe con người. Đặc biệt, có sẵn trên biển, trong nguồn nước ngọt. Với tiềm năng to lớn như vậy nên trong tương lai sẽ có nhiều trang trại nuôi trồng tảo phát triển trên quy mô toàn cầu, nhất là ở khu vực châu Á. Hiện ở Anh có trại của Quỹ Seaweed Health Foundation, nuôi trồng rất nhiều tảo, rong biển phục vụ cho mục đích làm thực phẩm và bào chế dược phẩm.
Đây là nguồn vật liệu sản xuất thực phẩm dùng cho chế độ ăn uống tiết thực để giảm béo, giảm cân và chữa bệnh. Riêng rong biển, hiện có trên 10.000 loài khác nhau, tại Anh có khoảng 630 loài nhưng chỉ có khoảng 35 loài có thể làm thực phẩm. Trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 145 loài rong biển, nhất là nhóm rong biển đỏ, nâu và xanh có thể dùng làm thực phẩm rất tốt.
Hiện tại một số loại tảo và rong biển đã được sử dụng ở dạng các loại thực phẩm dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe con người. Có thể kể đến như: Tảo Spirulina và Fucoidan.