Các triệu chứng trầm cảm ở người bệnh ung thư

thieu-tu-tin-vi-mun-2606

Hầu hết mọi người đều cảm thấy sốc khi được chẩn đoán mắc ung thư. Họ có thể tự chôn vùi bản thân trong nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn bã và nhiều cảm xúc lẫn lộn không thể miêu tả hoặc hiểu được.

Chuyên viên tư vấn Dominica Chua, Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, chỉ ra bảy dấu hiệu của sự căng thẳng bệnh nhân ung thư thường gặp phải như sau:

– Khó tập trung.

– Tim đập nhanh.

– Nhạy cảm.

– Đau đầu.

– Đau người.

– Cân nặng thất thường.

– Thay đổi nhiều về khẩu vị và giấc ngủ.

Bà Chua khuyên nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào như trên, bạn hãy báo cho bác sĩ điều trị biết để xem có thực sự do căng thẳng không hay chỉ là tác dụng phụ của điều trị. Trong trường hợp này, để giải tỏa căng thẳng, bạn tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích hoặc tham gia các lớp học kiểm soát căng thẳng.

“Chấp nhận bệnh tật có thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc giải tỏa căng thẳng. Sự chấp nhận không phải là từ bỏ một cách bị động mà là nhận thức chủ động về tình huống của mình và vững vàng tiến bước về phía trước”, bà Chua nói. Bà cũng khuyên bệnh nhân ung thư không nên chịu đựng nỗi buồn một mình, thay vào đó hãy cởi mở trò chuyện với thành viên gia đình, bạn bè đáng tin cậy, chuyên viên tư vấn hoặc các bệnh nhân sống sót sau ung thư để có được sự hỗ trợ tinh thần cần thiết.

Trên thực tế những bệnh nhân ung thư không có sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè dễ dẫn đến buồn bã lâu ngày và trầm cảm, tăng nguy cơ tử vong. Bà Chua nhìn nhận tâm lý chung của hầu hết người bệnh sau khi được chẩn đoán ung thư là đau buồn vì cảm giác mất đi sức khỏe hoặc cuộc sống từng có. Họ thường cảm thấy tội lỗi hoặc tự trách bản thân vì đã không làm nhiều việc hơn để tránh bệnh. Một số người dễ rơi nước mắt vì tự thương hại cho hoàn cảnh của mình. Nỗi buồn này có thể sẽ tiếp tục cho tới khi hoàn tất điều trị, hoặc thậm chí kéo dài mãi, nhất là khi ung thư gây ra nhiều đổi thay trong cuộc sống của họ.

Theo bà Chua, những trạng thái cảm xúc trên là điều rất tự nhiên, song bệnh nhân cần nhìn nhận và vượt qua để chúng không “nặng” thêm gây khó khăn cho cuộc sống và hoạt động thường ngày. Một trong những dấu hiệu rõ nhất để nhận biết một người bị trầm cảm đó là mất đi hứng thú vào các hoạt động từng yêu thích, hoặc cô lập bản thân khỏi gia đình và bạn bè hơn hai tuần.

Nghiên cứu cho thấy cứ bốn bệnh nhân ung thư thì một trường hợp bị trầm cảm. Bà Chua khuyên người bệnh khi xuất hiện ít nhất năm triệu chứng sau đây mỗi ngày hoặc kéo dài hơn hai tuần, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay.

– Cảm thấy buồn hoặc trống trải kéo dài.

– Bồn chồn hoặc thấy bị kích động.

– Thường xuyên nghĩ về cái chết hoặc tự tử.

– Cảm thấy mình tội lỗi hoặc không có giá trị gì.

– Gặp khó khăn khi suy nghĩ và đưa ra quyết định.

– Mất hứng thú với tất cả hoặc hầu hết hoạt động.

– Mệt mỏi và thiếu năng lượng.

– Khó tập trung.

– Thay đổi khẩu vị.

– Tăng hoặc giảm cân không có chủ đích.

– Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

Để khắc phục trầm cảm, ngoài sự trợ giúp về y tế, bà Chua gợi ý người bệnh nên dành thời gian khám phá những cách tốt nhất để giải tỏa nỗi buồn. Mỗi người sẽ có cách đối phó với cảm giác tiêu cực khác nhau. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia nếu bạn cần. Viết nhật ký tâm trạng cũng là cách hiệu quả để vượt qua trầm cảm. Hãy ghi lại tâm trạng của bạn trong ngày, để biết được bạn đang cảm thấy gì và cảm thấy như thế nào. Lúc này đừng tách biệt mình mà hãy ở bên bạn bè và các thành viên trong gia đình.

“Bạn có thể chủ động trang bị cho mình những kiến thức về tâm lý tích cực. Hãy học cách thay thế các suy nghĩ tiêu cực bằng những điều tích cực, dần dần bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trên hành trình chiến đấu với ung thư”, bà Chua nhắn nhủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *