Nếu bạn lo lắng cho sức khỏe của mình thì đừng bỏ qua những dấu hiệu sau đây vì đó chính là những tín hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang xuống dốc.
1. Huyết áp tăng cao
Nếu bạn thường xuyên bị tăng huyết áp thì tức là cơ thể bạn đang bị thiếu chất dinh dưỡng. Chế độ ăn thiếu kali, nhiều muối sẽ làm mất cân bằng dịch trong cơ thể, gây tổn thương mạch máu, làm tăng huyết áp.
Giải pháp ăn uống: Mỗi ngày không được nạp quá 6gr muối vào trong cơ thể. Ngoài ra, hàm lượng natri trong thực phẩm chế biến sẵn rất cao, tốt nhất nên hạn chế ăn, hãy nạp nhiều thực phẩm tươi và tự nhiên.
Bổ sung thêm những món giàu kali như hạt dẻ, khoai lang, bí ngô, tỏi tây, rau bina, rau dền đỏ, cần tây, nấm kim châm, táo tàu, táo đen… sẽ tốt cho huyết áp và tránh các bệnh tim mạch.
Nên dùng các loại đậu để thay thế cho một số loại thịt, vừa có thể giảm bớt lượng chất béo động vật, vừa có thể tăng cường chất xơ. Hãy ăn các loại đậu nguyên hạt chưa qua chế biến như canh đậu nành, bột đậu nành…
Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn đồ lạnh. Ăn quá mặn, quá lạnh đều có thể khiến tuần hoàn máu kém đi, có thể bổ sung thêm rong biển và cần tây giúp hạ huyết áp.
2. Bơ phờ, dễ mệt mỏi
Nếu ngủ đủ giấc, cơ thể vẫn hoạt động bình thường mà bạn lại có cảm giác mệt mỏi, có nghĩa cơ thể bạn bị thiếu vitamin B12. Triệu chứng này thường xuất hiện nhiều ở những người ít ăn protein động vật. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ sức khỏe của bạn đang xuống dốc.
Giải pháp ăn uống: Mỗi ngày uống 2 ly sữa tươi tách béo hoặc sữa chua, ăn khoảng 100g thịt nạc. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm 500-1.000mg vitamin B12. Các thực phẩm giàu vitamin B12 gồm: cá, ngao, sò, hàu, thịt lợn, gà, bò…
Iốt và magie có thể điều chỉnh sự trao đổi chất, cải thiện sự mệt mỏi. Bạn có thể bổ sung Iốt, magie từ các loại thực phẩm như hải sản, sò, rong biển, tảo… Ngoài ra, thường xuyên uống rượu hoặc uống thuốc lợi tiểu, giảm béo trong thời gian dài dễ khiến hàm lượng magie trong cơ thể giảm xuống quá thấp… Vì vậy, bạn cần tránh những thói quen xấu này.
3. Rụng tóc
Tóc rụng là hiện tượng tự nhiên của cơ thể, nó cho thấy dấu hiệu bắt đầu quá trình lão hóa. Ngoài ra, rụng tóc, bạc tóc là biểu hiện bên ngoài cho thấy trong cơ thể bạn có vấn đề, chỉ khi điều hòa tốt nội tiết trong cơ thể, bổ sung cân bằng khí huyết mới có thể bảo đảm tóc sinh trưởng khỏe mạnh.
Giải pháp ăn uống: Hãy ăn những thực phẩm có nhiều màu sắc như cà chua, dưa hấu… vì chúng chứa nhiều vi khoáng chất quan trọng. Lycopene và anthocyamin (là hóa chất chống oxy hóa mạnh) có trong thực phẩm màu cam như cà rốt, khoai lang… sẽ giúp cho tóc khỏe mạnh.
4. Đau khớp
Trừ các trường hợp viêm khớp và tổn thương do vận động, nếu bạn hay bị đau khớp thì nên làm xét nghiệm máu để có thể ngay lập tức chẩn đoán việc đau nhức khớp có phải do thiếu hụt các nguyên tố vi lượng đồng và mangan gây ra hay không.
Giải pháp ăn uống: Nguyên nhân đau khớp đa số là do viêm xương khớp. Vì vậy, bạn nên ăn nhiều thực phẩm thuộc họ hành như hành tây, hẹ, tỏi, tỏi tây vì chúng chứa nhiều chất disulfide diallyl, có thể ức chế các enzyme gây tổn thương cho các mô sụn, bảo vệ các mô sụn.
Ngoài ra, nên ăn nhiều thịt bò, rau chân vịt, các loại quả khô. Việc dùng thực phẩm không thể hoàn toàn cung cấp đủ nhu cầu đồng và mangan của cơ thể. Do đó, tốt nhất mỗi ngày nên bổ sung 2mg đồng và 5mg mangan. 2-3 tháng sau tình trạng đau nhức khớp có thể giảm hẳn.
5. Thị lực giảm sút
Thị lực giảm sút cũng là một dấu hiệu thường thấy của lão hóa. Ngoài việc kiểm tra mắt định kỳ, việc thay đổi chế độ ăn cũng có tác dụng.
Giải pháp ăn uống: Hãy tăng lượng tiêu thụ cá có nhiều dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ…) và lutein (có trong bắp cải, cải bó xôi, rau xà lách, bí đỏ…). Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều thực phẩm nói trên ít bị ảnh hưởng bởi bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở người già.
Theo Đông y, táo mèo, cà rốt, đu đủ, dâu tằm…đều là những thực phẩm có thể bảo vệ thị lực tốt.